Song song với việc xây dựng nguồn lực thông tin (nguồn tin, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực …) thì việc hỗ trợ và đào tạo người dùng tin là một yếu tố đặc biệt quan trọng để tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ thông tin phục vụ nghiên cứu đào tạo. Trong thời đại số hóa và xã hội mạng như hiện nay, việc phát triển năng lực thông tin (information literacy) cho các cá nhân trong mỗi bối cảnh cộng đồng lại càng trở nên quan trọng.
Bài viết này hướng vào việc phân tích mối quan hệ khăng khít giữa việc phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin và vấn đề phát triển nguồn lực thông tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo, qua đó đề xuất những hướng triển khai phát triển năng lực thông tin dựa trên đặc thù của cộng đồng người dùng tin và thực trạng nguồn lực thông tin của mỗi cơ quan thông tin thư viện.
Mục đích của báo cáo này là nhằm đóng góp một cách tiếp cận từ góc độ đào tạo người dùng tin trong bối cảnh của kỷ nguyên số hóa, nhằm góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thông tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục.
Bài viết gồm 3 phần. Phần đầu sẽ hướng vào việc phân tích khái niệm về năng lực thông tin và đặc thù của việc phát triển năng lực thông tin trong các cơ quan thông tin thư viện phục vụ công tác nghiên cứu giáo dục. Phần hai tập trung làm rõ mối quan hệ của việc phát triển năng lực thông tin với việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin trong bối cảnh của các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục. Ở phần cuối, báo cáo này đưa ra những đề xuất trong việc phát triển năng lực thông tin cho cộng đồng người dùng tin ở các cơ quan thông tin thư viện nói trên.
Thời gian gần đây, hệ thống thư viện, đặc biệt là các thư viện phục vụ nghiên cứu, học thuật, đang ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật. Đó chính là những điều kiện quan trọng cho sự phát triển của một hệ thống thư viện năng động, hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng thì yếu tố con người cũng cần phải đặc biệt cần được lưu tâm. Phát triển năng lực thông tin (information literacy) cho người dùng tin đang được xem là một yếu tố then chốt cho sự phát triển của các cơ quan thông tin thư viện. Tác giả Eisenberg (2008, tr. 39-40) đã nhận định:
Các dịch vụ và hướng dẫn phát triển năng lực thông tin là những yếu tố đặc biệt quan trọng của mọi chương trình thông tin và thư viện trong thế kỷ 21[…]. Mục tiêu của bất kỳ cơ quan thông tin thư viện nào cũng là đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dùng tin. Năng lực thông tin, bằng việc đảm bảo rằng người dùng có thể tìm kiếm và sử sụng thông tin một cách hiệu quả, là một phần quan trọng để thực hiện mục tiêu đó.
Các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục – với đối tượng phục vụ chủ yếu là các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia nghiên cứu giáo dục, và các giảng viên, giáo viên ở các cơ sở đào tạo – cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Với đối tượng người dùng tin là những người có trình độ chuyên môn cơ bản là cao và có kỹ năng nghiên cứu tốt như vậy, việc hỗ trợ giúp đỡ người dùng tin ở những cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục cũng có những nét đặc thù riêng.
1. Khái niệm về năng lực thông tin (information literacy) và đặc thù của việc phát triển năng lực thông tin trong các cơ quan thông tin thư viện phục vụ công tác nghiên cứu giáo dục.
1.1. Tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển khái niệm năng lực thông tin
Khái niệm về năng lực thông tin lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ 20 (Nghiêm Xuân Huy, 2010). Ban đầu, khái niệm này gắn liền với việc giải quyết vấn đề khủng hoảng và bùng nổ thông tin, bằng việc được mô tả như là một tập hợp các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin.
Từ năm 1987, khái niệm năng lực thông tin bắt đầu được mở rộng và được xem như một khái niệm về "cách thức học tập" với sự ra đời của một số mô hình và khung lý thuyết tiêu biểu như: Big6 (do Eisenberg and Berkowitz bắt đầu phát triển từ năm 1988), đặc biệt là khái niệm về năng lực hướng vào nội dung "học tập suốt đời" và "cách thức học tập" do Hiệp hội thư viện đại học và thư viện nghiên cứu Hoa Kỳ (ACRL) đề xuất năm 1988. Theo ACRL, kiến thức thông tin là sự hiểu biết và một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể "nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả" (ACRL, 1989).
Xu thế gắn việc triển khai các chương trình phát triển năng lực thông tin với bối cảnh sống, học tập, và làm việc của mỗi cá nhân bắt đầu được chú ý từ năm 2002 với các nghiên cứu đáng chú ý của các tác giả như Webber và Johnson (năm 2002), Gendina (năm 2004), Campbell (năm 2004), Basili (2006), Gorman và Dorner (năm 2006), Walter (năm 2007), và đặc biệt là UNESCO (năm 2008). Xu thế này nhấn mạnh việc xem xét các yếu tố văn hóa xã hội trong mỗi bối cảnh cụ thể để xây dựng khung lý thuyết và thực hành của mỗi chương trình phát triển năng lực thông tin phù hợp với đặc thù bối cảnh thông tin của cộng đồng dùng tin.
Xuất phát từ hướng tiếp cận như trên, bài viết này hướng vào việc đề xuất các giải pháp phát triển năng lực thông tin trong bối cảnh các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục.
1.2. Đặc thù người dùng tin tại các cơ quan TTTV phục vụ nghiên cứu giáo dục
Nhóm người dùng tin chủ yếu của các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục trước hết chính là các nhà nghiên cứu giáo dục, những người vốn có nền tảng kiến thức chuyên môn ở một trình độ nhất định. Tác giả Nghiêm Xuân Huy (2010) tổng hợp và chỉ rõ có một sự tương đồng trong hành vi thông tin của người có năng lực thông tin với các thao tác nghiên cứu mà một nhà nghiên cứu thường thực hiện như: xác định vấn đề; thu thập nguồn dữ liệu nghiên cứu/tài liệu tham khảo/thông tin; tổ chức dữ liệu/thông tin; thẩm định, đánh giá dữ liệu/thông tin; phân tích/áp dụng các kết quả nghiên cứu/thông tin thu nhận được vào việc tái tạo tri thức. Dưới đây là mô hình triển khai một nghiên cứu do William B. Badke (2004, tr. 6) đề xuất:
Câu hỏi nghiên cứu
Tổng hợp dữ liệu
Dữ liệu
Phân tích dữ liệu
Thông tin
Kết luận, đề xuất
Dễ dàng nhận thấy công việc của người làm nghiên cứu gắn chặt với việc khai thác và tổ chức thông tin. Việc nghiên cứu sẽ hiệu quả hơn khi quá trình thu thập và xử lý thông tin được đảm bảo tối ưu. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc phát triển năng lực thông tin đối với nhóm người dùng tin này ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo.
Mặc dù người làm nghiên cứu là người đã có một trình độ về năng lực thông tin nhất định (do tính tương đồng như đã phân tích ở trên), đặc biệt là kỹ năng thẩm định và đánh giá thông tin, thì năng lực thông tin vẫn cần được phát triển mạnh hơn nữa nhằm đảm bảo khả năng chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các nhóm nghiên cứu, làm chủ nguồn thông tin và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, nâng cao đạo đức nghiên cứu và đạo đức nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu (Huy, 2010).
1.3. Hiểu biết về năng lực thông tin và tác động của nó đối với đổi mới giáo dục
Như đã trình bày ở phần 1.2, năng lực thông tin gắn liền với việc đảm bảo khả năng “học tập suốt đời”, một trong những mục tiêu tối thượng của giáo dục. Theo ACRL (1988), người có năng lực thông tin là người “học được cách thức học tập” (learning to learn), tức là người có thể thực hiện hoạt động học tập ở nhiều bối cảnh sống và làm việc khác nhau. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của giáo dục: đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng nhanh và hiệu quả với nhiều bối cảnh công việc khác nhau.
Đối tượng phục vụ của các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo là các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục cũng như các nhà giáo và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực phát triển giáo dục. Việc có một hiểu biết cơ bản và toàn diện về năng lực thông tin và vai trò của năng lực thông tin đối với bối cảnh làm việc của họ đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến đổi mới phương pháp dạy – học cũng như
2. Mối quan hệ của việc phát triển năng lực thông tin với việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin tại các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục.
2.1. Marketing các sản phẩm và dịch vụ thông tin, mở rộng đối tượng người dùng tin
Phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin trước hết tạo ra một cơ hội tương tác có chiều sâu giữa cơ quan thông tin thư viện và người dùng tin của họ. Một trong những nội dung quan trọng của một chương trình đào tạo phát triển năng lực thông tin là giúp người dùng tin hiểu rõ nguồn lực thông tin của cơ quan thông tin thư viện và các phương thức khai thác nguồn tin đó. Với cách tiếp cận này, các cơ quan thông tin thư viện có thể giúp người dùng tin hiểu rõ nguồn lực thông tin, các sản phẩm dịch vụ thông tin hiện có, cũng như các kênh giao tiếp giữa cơ quan thông tin thư viện và người dùng tin của mình. Qua đó, các sản phẩm và dịch vụ thông tin có thể đến với người dùng tin nhanh hơn và hiệu quả hơn.
2.2. Khai thác tối đa nguồn tin
Không những giúp người dùng tin hiểu rõ nguồn lực thông tin của cơ quan thông tin thư viện, các chương trình phát triển năng lực thông tin còn giúp nâng cao kỹ năng thông tin cho người dùng tin, giúp họ làm chủ được kỹ năng tìm tin, qua đó khai thác được nguồn tài nguyên thông tin ở các cơ quan thông tin thư viện một cách hiệu quả nhất.
Kỹ năng thông tin của người làm nghiên cứu khoa học có một đặc điểm nổi bật đó là khả năng nhận dạng nhu cầu thông tin của mình (Nghiêm Xuân Huy, 2010), tuy nhiên để thu thập được thông tin phù hợp với nhu cầu ấy thì cần phải nắm được phương pháp tìm tin, công cụ tìm tin, và hiểu rõ các kênh cung cấp thông tin. Các chương trình phát triển năng lực thông tin giúp trang bị, củng cố và phát triển các kỹ năng đó cho người dùng tin. Đây cũng chính là cách thức hiệu quả để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực thông tin tại các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục.
2.3. Xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa cơ quan thông tin thư viện và người dùng tin
Bằng việc tổ chức các chương trình phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin, mối quan hệ giữa các cơ quan thông tin thư viện và người dùng tin của họ được củng cố và phát triển theo hướng tích cực. Thực chất, đây là mối quan hệ mà cả người dùng tin và cơ quan thông tin thư viện cùng nhận được những lợi ích rõ ràng. Nếu như người dùng tin, nhờ việc được nâng cao năng lực thông tin, có thể khai thác được những nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu thông tin của mình, qua đó nâng cao được chất lượng nghiên cứu khoa học, thì các cơ quan thông tin thư viện cũng nâng cao được tần suất quay vòng nguồn vốn tài liệu và nâng cao được chất lượng phục vụ người dùng tin.
3. Đề xuất hướng phát triển năng lực thông tin cho cộng đồng người dùng tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục phụ nghiên cứu giáo dục.
3.1. Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện
Đây có thể coi là vấn đề quan trọng hàng đầu do đặc thù bối cảnh các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo chỉ có mối quan hệ duy nhất giữa cán bộ thư viện và bạn đọc. Khác với môi trường thư viện trường học, nhất là trường đại học, nơi sinh viên là đối tượng bạn đọc chính và có mối quan hệ bền chặt với cả giảng viên và cán bộ thư viện, việc phát triển năng lực thông tin cho bạn đọc ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo chủ yếu do cán bộ thư viện thực hiện (với sự phối hợp với các chuyên gia thông tin thư viện trong lĩnh vực này, nếu cần).
Cán bộ thư viện triển khai chương trình phát triển năng lực thông tin trước hết phải là người có một trình độ năng lực thông tin tốt, đặc biệt là kỹ năng khai thác, xử lý và thẩm định thông tin. Những nội dung quan trọng khác mà người làm công tác này cần được trang bị kỹ là: vấn đề tránh đạo văn, các hiểu biết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và bản quyền thông tin khi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, kỹ năng tổ chức nguồn tài liệu tham khảo.
Việc tổ chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện có thể được thực hiện nhờ sự phối hợp giữa cơ quan thông tin thư viện và các cơ sở giáo dục đào tạo, các chuyên gia sư phạm trong từng mảng nội dung cụ thể.
3.2. Xây dựng khung nội dung của năng lực thông tin trong bối cảnh của cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục.
Với đặc thù người dùng tin và bối cảnh thông tin tương đối khác biệt so với bối cảnh ở các thư viện đại học hoặc thư viện công cộng, việc xây dựng một khung lý thuyết và thực hành phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục cần đưa ra những giải pháp phù hợp để tăng tính hiệu quả và tối ưu.
Trước hết, với việc các nguồn thông tin ngày càng đa dạng, phong phú và ngày càng được chú ý đầu tư, nguồn lực thông tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục ngày càng lớn và đi kèm với chiều sâu và tính phức tạp, việc không ngừng giúp người dùng tin hiểu rõ nguồn lực thông tin (bao gồm tổng quan đặc điểm nguồn tin và chi tiết hướng dẫn các phương thức tiếp cận các sản phẩm dịch vụ thông tin đang đưa vào phục vụ; các kênh khai thác thông tin; các dịch vụ hỗ trợ người dùng tin …) là điều kiện tối quan trọng để tăng cường hiệu quả sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Đây nên được xem là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin ở cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục nói riêng và ở các cơ quan thông tin thư viện khoa học chuyên ngành nói chung.
Bên cạnh giúp người dùng tin hiểu rõ nguồn lực thông tin ở đơn vị mình, cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục cần chú trọng nâng cao kỹ năng khai thác thông tin cho người dùng tin. Do mỗi nguồn thông tin (đặc biệt là các cơ sở dữ liệu tạp chí trực tuyến) đều có mỗi đặc thù khai thác khác nhau, việc trang bị phương pháp tiếp cận một cách có hệ thống tới các nguồn tin đó là điều hết sức cần thiết để giúp người dùng tin thu được lợi ích tối đa từ nguồn thông tin mà họ tiếp cận. Người dùng tin cần nắm được các phương thức tìm kiếm thông tin từ cơ bản đến nâng cao, tùy thuộc vào nhu cầu và trình độ khai thác thông tin của họ.
Các yếu tố quan trọng khác như: thẩm định và đánh giá thông tin, áp dụng thông tin, tổ chức và lưu trữ thông tin thu thập được cũng rất cần thiết. Do đặc thù đối tượng người dùng tin chủ yếu là các nhà nghiên cứu với những hiểu biết nhất định về phương thức làm việc với các nguồn tin (xử lý, phân tích, đánh giá), các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục có thể cân nhắc mức độ triển khai các nội dung như trên vào thực tiễn. Trong trường hợp này, để tăng tính hiệu quả của chương trình đào tạo, các cơ quan thông tin thư viện cần có những đánh giá phân loại trình độ và kỹ năng thông tin của người dùng tin, qua đó đưa ra những lựa chọn linh hoạt cho người dùng tin khi họ tham gia các chương trình nâng cao năng lực thông tin.
Cũng chính xuất phát từ đặc thù của nhóm người dùng tin mà các chương trình phát triển năng lực thông tin ở các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu giáo dục cần chú ý trang bị cho người dùng tin phương thức tích hợp việc phát triển năng lực thông tin vào thực tiễn bối cảnh công tác của họ. Thực tế, việc nghiên cứu và triển khai phát triển năng lực thông tin ở ViệtNam vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa có những giải pháp tổng thể có hệ thống. Các nhà sư phạm và giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho người học và cộng đồng. Bằng việc nhận thức và ý thức được tầm quan trọng của năng lực thông tin trong bối cảnh bùng nổ thông tin và xã hội liên mạng cũng như nắm bắt được phương pháp tích hợp năng lực thông tin vào hoạt động thực tiễn như: ra chính sách (đối với nhà quản lý giáo dục), áp dụng xây dựng đề cương môn học (đối với giảng viên giảng viên), hỗ trợ học viên nghiên cứu khoa học (chuyên gia giáo dục), những người quan tâm đến hoạt động nghiên cứu giáo dục không những tôi rèn được chính năng lực thông tin của bản thân mà còn góp phần nâng cao năng lực thông tin cho chính cộng đồng và công việc mà họ phục vụ.
3.3. Các phương thức tương tác với người dùng tin
Có nhiều phương thức và kênh để tổ chức các hoạt động phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin – truyền thông phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của người dùng tin, các cơ quan thông tin thư viện cần linh hoạt trong việc tổ chức các chương trình phát triển năng lực thông tin.
Các khóa đào tạo ngắn hạn là một giải pháp khả thi do người dùng tin ở đây đến từ nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau. Việc xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn hướng vào từng nội dung cụ thể của cả tiến trình phát triển năng lực thông tin (dạng module) sẽ giúp người dùng tin linh hoạt trong lựa chọn và định hình cho mình một lộ trình tham gia phù hợp. Tất nhiên, ở đây cũng cần nhấn mạnh đến vai trò tư vấn của người xây dựng và phát triển chương trình nhằm giúp người dùng tin có thể xây dựng cho mình một kế hoạch nâng cao năng lực thông tin thật hiệu quả.
Việc tận dụng các phương tiện thông tin truyền thông, đặc biệt là các dịch vụ web 2.0 và mạng xã hội, vào xây dựng các chương trình phát triển năng lực thông tin trực tuyến cũng rất đáng lưu tâm. Bằng cách này, người dùng tin có thể thực hiện việc tự đào tạo thông qua các kênh mà họ thấy là phù hợp và thuận lợi với bối cảnh sống và làm việc của họ. Cũng thông qua các kênh như mạng xã hội (Facebook hay Google Plus) hoặc blog, người dùng tin và các cơ quan thông tin thư viện có thể củng cố được mối quan hệ bền chặt của mình, góp phần đem lại lợi ích cho chính bạn đọc và cơ quan thông tin thư viện.
4. Kết luận
Phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin nên được xem như một trong những kế sách hành động mang tính chiến lược và thường xuyên của các cơ quan thông tin thư viện, nhất là các cơ quan thông tin thư viện phục vụ nghiên cứu đào tạo. Cùng với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng thông tin cho người dùng tin, việc tạo điều kiện cho cơ quan thông tin thư viện và người dùng tin hiểu nhau và có mối quan hệ bền chặt sẽ là những điều kiện hết sức quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin do chính các cơ quan thông tin thư viện cung cấp.